“Trổ tài” làm giò lụa truyền thống, đón Tết cùng gia đình

Posted by: Posted on:Tháng Mười Một 22, 2018 Comments:0

Một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết đó chính là giò lụa truyền thống. Trong quan niệm truyền thống, sự có mặt của giò lụa tượng trưng cho mong muốn một năm mới đầy đủ, no ấm.Vậy hãy cùng vào bếp làm món giò lụa để ngày Tết bên gia đình trở nên ý nghĩa hơn nhé!

1.Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu cần có

Chọn nguyên liệu:

Những nguyên liệu quan trọng cho món giò lụa truyền thống bao gồm:

Thịt lợn: nên chọn phần đùi (thịt chân giò). Trong bài viết này sẽ hướng dẫn bạn làm với 1kg thịt.

Mỡ heo: 100 gam. Khiến cho giò không bị khô, tạo vị béo ngậy cho miếng giò lụa.

Lá chuối tiêu: Dùng để bó giò. Nên chọn lá có bề mặt rộng, khoảng 40cm. Mùi thơm của lá chuối hòa quyện sẽ tạo nên hương vị đặc trưng truyền thống của giò lụa.

Dây lạt: Dùng để buộc giò

Bột năng: 30 gam; Bột nở: 5 gam

Gia vị khác: đường, muối (khoảng ¼ thìa cà phê), nước mắm (độ đạm từ 40, khoảng 2 thìa), hạt tiêu.

Sơ chế nguyên liệu:

Phần thịt chân giò và mỡ heo rửa sạch, thái thành các miếng nhỏ.

Rửa sạch lá chuối: Nên nhúng nước sạch và dùng khăn mềm lau trên hai bề mặt lá để tránh làm rách lá chuối.

Cho thịt chân giò vào cối để giã cho mịn thịt. Nên giã thịt cùng với mỡ heo, bột nở và bột năng cùng lúc để các nguyên liệu hòa trộn đều với nhau. Bạn có thể cho vào máy xay để xay nhuyễn, tuy nhiên, nếu dùng máy xay sẽ khiến các thớ thịt (gân thịt) bị đứt, giò sẽ không được chắc.

Khi đã giã nhuyễn khoảng một nửa, cho các gia vị hạt tiêu, muối, đường, nước mắm vào giã cùng đến khi đã nhuyễn, mịn.

2.Tiến hành gói giò

  • Bước 1:

Lá chuối sau khi rửa nhẹ nhàng với nước sẽ mềm và dễ gói hơn. Dùng khăn sạch lau khô nước thừa còn đọng lại, sau đó cắt thành các miếng vuông khoảng 15cm để gói hai đầu chả lụa (chỉ cần 2-3 lá).

  • Bước 2:

Xếp 4 lá chuối lần lượt: 2 lá cạnh mép theo chiều dọc, 2 lá tiếp theo xếp chồng lên theo chiều ngang.

Cho hỗn hợp các nguyên liệu đã giã nhuyễn vào giữa lá, dùng tay cuốn lá theo dọc hình trụ giống như cuốn nem, cuốn chặt tay một chút để giò lụa được chắc thịt và không bị rời rạc.

  • Bước 3:

Bước này sẽ gần giống với việc bạn gói một hộp quà. Gấp một đầu lá chuối lại, dựng thẳng lên, gấp đầu còn lại của hình trụ. Sau đó dùng miếng lá chuối đã cắt 15cm bịt đè lên đầu hình trụ, xếp theo hình chữ thập để đảm bảo bịt kín được đầu thịt, không làm thịt bị chảy ra khi hấp, dùng dây lạt buộc cố định chắc chắn.

Lật ngược thẳng lại và làm tương tự với đầu trụ còn lại.

Sau khi bịt kín hai đầu giò lụa, bạn nên dùng hai dây lạt buộc cố định thêm ở giữa cây giò để đảm bảo lá chuối không bị bung ra.

3.Hấp giò lụa và cho ra thành phẩm

Món giò lụa truyền thống đã hoàn thành

Bước cuối cùng của công đoạn làm giò lụa truyền thống là hấp giò trong khoảng một tiếng.

Khi giò đã chín, vớt ra và để nguội tự nhiên, không nên cho vào tủ mát làm nguội hay cho vào nước lạnh vì sẽ khiến thịt giò bị bở.

Để tự tay làm ra món giò lụa bạn chỉ cần một chút khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Còn gì vui bằng cùng thưởng thức món ăn mình làm ra với gia đình, đặc biệt là vào ngày Tết cổ truyền, phải không!

Category

Leave a Comment