Mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp và những lưu ý cần nhớ
Nuôi thỏ công nghiệp không khó, tuy nhiên cũng có một số vấn đề mà đòi hỏi bà con không được lơ là, chủ quan. Dưới đây là một số lưu ý được chúng tôi tổng hợp lại từ thực tế mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp. Tham khảo ngay nếu bà con nào muốn làm giàu từ mô hình này nhé.
1. Rửa sạch cỏ cho thỏ
Cỏ được cắt ngoài đồng hay cỏ trồng phải được rửa sạch trước khi cho thỏ ăn. Bởi cỏ bẩn có thể lẫn ấu trùng sâu, chất độc hại từ xăng dầu, thuốc trừ sâu,… làm thỏ dễ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
Khi rửa cỏ phải chia nhiều lần, không rửa quá nhiều cùng lúc làm cỏ không sạch. Đổ nhiều nước và xáo mạnh tay để loại bỏ chất độc hại trong cỏ. Dù cỏ được cắt vào mùa nắng hay mùa mưa, cỏ cắt ngoài đồng hay cỏ trồng đều phải được rửa kỹ.
Sau khi cỏ rửa xong cũng không nên cho thỏ ăn ngay mà hãy trải mỏng ra trên nền gạch để hong cỏ cho ráo khoảng vài giờ rồi mới cho thỏ ăn. Có nghĩa là cỏ cắt ngày hôm nay thì cho thỏ ăn vào ngày hôm sau vì tốn thời gian rửa và hong cỏ.
Riêng với các loại lá mít, lá tre, mận, ổi,… vừa hái trên cây thì có thể cho thỏ ăn được. Dĩ nhiên, bà con phải chắc chắn rằng chúng không nhiễm thuốc trừ sâu. Còn rau lang, rau muống phải rửa sạch, hong gió cho ráo mới được cho thỏ ăn.
- Tham khảo thêm: Máy làm cám viên chim tốt nhất phục vụ chăn nuôi
2. Cho thỏ ăn đúng khẩu phần
Ngoài việc cho thỏ ăn đúng bữa thì còn phải đúng khẩu phần, có như vậy thỏ mới phát triển được. Phải nhớ rằng, mỗi lứa tuổi của thỏ đều có chế độ dinh dưỡng khác nhau và cần được nuôi một khu vực riêng để dễ phân biệt.
3. Kiểm tra sức khoẻ của thỏ
Thỏ nuôi công nghiệp thì cũng như nhiều loại gia súc, gia cầm khác, chúng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là bệnh nhiễm trùng được lây từ thỏ bệnh sang thỏ khỏe mạnh. Vậy nên, luôn quan sát đàn thỏ và kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện bệnh cũng như điều trị hợp lý.
Không chỉ kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi tháng vài lần mà bạn phải kiểm tra hằng ngày kết hợp với việc cho ăn, vệ sinh chuồng trại. Quan sát bên ngoài có thể đoán được thỏ khỏe mạnh hay bị bệnh.
Giả sử, thỏ mình sạch, tai dựng lên, ăn nhiều và hiếu động thì nghĩa là thỏ khỏe mạnh. Còn nếu thỏ bị xù lông, nằm một chỗ, thở khó nhọc, ăn uống kém,… thì đó là dấu hiệu cho thấy thỏ bệnh và cần chuẩn đoán cũng như điều trị càng sớm càng tốt.
4. Cắt móng chân
Thỏ nuôi hoang dã chạy nhảy ở ngoài nhiều nên bị mòn móng chân. Còn thỏ nuôi công nghiệp trong chuồng móng nhanh dài và khiến chúng đi lại khó khăn. Do vậy người nuôi cần phải dùng kềm cắt móng cho thỏ. Khi cắt nên nhờ người phụ nhấc thỏ lên cao và giữ chặt để thỏ không giãy giụa.
Thực tế, mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp rất đơn giản và nhanh chóng thu lại lợi nhuận cao. Do vậy, nếu băn khoăn chưa biết nên phát triển mô hình chăn nuôi nào thì bạn có thể lựa chọn mô hình này.