Cách phòng tránh bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi
Ngày nay tình trạng cao huyết áp ở người cao tuổi xảy ra ngày càng phổ biến. Như một kẻ giết người thầm lặng với những biểu hiện không dễ nhận biết, bệnh cao huyết áp đã gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với con người. Vì vậy, khi chăm sóc sức khỏe cho người già cần có những biện pháp phòng tránh hiệu quả đối với bệnh cao huyết áp.
Nguyên nhân của bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi
+ Do một số bệnh gây nên: béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch…
+ Huyết áp cao do di truyền trong gia đình.
+ Do thói quen sinh hoạt hàng ngày như: lười vận động, nghiện rượu, hút thuốc lá, ăn mặn hay thường xuyên bị căng thẳng trong cuộc sống…
Biểu hiện của bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi
– Thông thường những người bị cao huyết áp chỉ biết mình huyết áp cao khi được đo huyết áp. Bệnh cao huyết áp thường không có biểu hiện hoặc đôi khi chỉ có một vài triệu chứng thoáng qua như nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai,… Vì vậy, cách tốt nhất để biết người nhà bạn có huyết áp cao hay không là sử dụng máy đo huyết áp.
– Khi sử dụng máy đo huyết áp, nếu chỉ số huyết áp cao hơn hoặc bằng 140/90mmHg thì có nghĩa người đó đã mắc bệnh cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp được phân thành ba cấp độ là: huyết áp từ 140 – 159/90-99mmHg, từ 160 – 179/100-109mmHg và từ 180/110mmHg trở lên.
– Huyết áp không ổn định và có sự dao động trong ngày, cao nhất vào lúc sáng sớm sau khi thức dậy hoặc khi vận động hay tinh thần bị kích động mạnh.
Tác hại của bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi
Nếu không có biện phòng trừ, không được phát hiện khi có dấu hiệu bệnh và không được điều trị sớm thì bệnh cao huyết áp sẽ dẫn tới những biến chứng, gây ra những bệnh vô cùng nguy hiểm như bệnh tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim,…), hiện tượng đột quỵ, tai biến mạch máu não, liệt người, ảnh hưởng đến thận, mắt và các cơ quan khác của cơ thể.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi
Từ những biến chứng nguy hiểm của bệnh huyết áp cao cho thấy việc phòng ngừa tăng huyết áp vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Sau đây là những cách để phòng tránh bệnh cao huyết áp hiệu quả cho người cao tuổi:
Chế độ ăn uống hợp lý
– Giữ cân nặng ở mức ổn định, tránh thừa cân hoặc béo phì.
– Ăn đủ 3 bữa/ngày. Ăn nhiều rau, trái cây, tăng cường bổ sung các chất xơ, hạn chế dùng mỡ. Trong thực đơn nên bổ sung ăn nhiều cá hơn thịt, đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò, trâu, dê, ngựa,.. không nên ăn hoặc hạn chế ăn. Khi chế biến thức ăn cho người cao tuổi thì nên giảm bớt lượng muối, cho ít hơn so với bình thường, đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm giàu kali và canxi.Từ bỏ thói quen uống rượu bia, cafe, chè, hút thuốc. Hạn chế sử dụng các loại nước có ga.
Chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục, thể thao
Người già nên thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Đối với người cao tuổi có thể tập những bài nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của cơ thể như đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền… không nên tập những động tác mạnh, dễ gây chấn thương.
Chế độ nghỉ ngơi
Người già nên ngủ đủ giấc, đảm bảo giấc ngủ thoải mái. Để giấc ngủ ngon và sâu thì trước khi đi ngủ có thể đọc một quyển sách hoặc nghe một bản nhạc không lời, nhạc sáo trúc, sáo dizi … để dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Luôn giữ cho tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh những căng thẳng, stress.
Khám sức khỏe theo định kỳ
Người già nên thường xuyên khám sức khỏe theo định kỳ, ít nhất 6 tháng/ lần, đặc biệt khi có triệu chứng của bệnh cao huyết áp để phát hiện và điều trị kịp thời. Có thể kiểm tra, theo dõi huyết áp của bản thân bằng việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà, đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh huyết áp hay người già có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đối với những người cao tuổi đã mắc bệnh tăng huyết áp thì nên dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ.
Trên đây là những thông tin về bệnh cao huyết áp ở người cao tuổi, hi vọng có thể giúp ích được cho bạn và người thân của mình. Điều quan trọng nhất là nên theo dõi huyết áp thường xuyên và khám sức khỏe theo định kỳ cho người thân của mình, để từ đó có thể tìm được hướng điều trị tốt nhất.
Xem thêm:
>> Tổng hợp bí quyết chế biến rau củ cho bé ăn dặm chuẩn nhất
>> Uống nước lọc sai cách, coi chừng ngộ độc!